Những người gánh nước giếng cổ
Tương truyền, nước ở các giếng cổ Thành phố Hội An, Quảng Nam trong và ngọt, rất tốt để nấu cơm, pha trà, cà phê… Có lẽ vì thế mà ở đây hình thành cả đội quân gánh nước thuê phục vụ các nhu cầu này.
Gánh nước thuê là công việc khá vất vả, nhưng cũng tạo nên một nét sinh hoạt độc đáo của thành phố du lịch bình yên này.

Gánh nước thuê là công việc khá vất vả, nhưng cũng làm nên một nét sinh hoạt độc đáo của thành phố du lịch yên bình này.
Công việc của các phu nước bắt đầu từ 4h, có khi là 3h hằng ngày nếu khách hàng có nhu cầu. Một phu nước ở xóm giếng Bá Lễ nói: “Nghề này tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Cứ bỏ cơ bắp ra làm lãi, bình quân mỗi ngày một người gánh được 50 – 60 thùng nước, mỗi thùng bán lại 2.000 đồng, tính ra cũng kiếm được 100.000 – 120.000 đồng. Nếu gánh xa hơn thì giá cao hơn, tùy theo đoạn đường mà tính”.
Lúc mặt trời xế chiều, xóm phu nước vẫn tấp nập người gánh, già có, trẻ có. Anh Trần Trung Sử, tổ 41, phường Minh An, tay xách mo nước, vai gánh cặp thùng to tướng, vừa đi vừa nói: “Mình vào nghề gánh nước thuê chừng 10 năm, gia đình chỉ có hai vợ chồng, không có con. Vợ đau ốm thường xuyên, may nhờ mình còn ít sức khỏe đi gánh nước thuê bán, nhờ đó có thêm đồng ra, đồng vào cho gia đình”.
Những “phu nước” xóm Bá Lễ đến từ nhiều nơi, từng làm nhiều nghề khác nhau, nhưng cuối cùng đều “đậu” lại với nghề gánh nước. Anh Trần Trung Mẹo, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hòa (Thành phố Hội An), làm nghề gánh nước thuê 15 năm, cho biết: “Trước đây, tôi làm bảo vệ cho một khách sạn, song thu nhập không nhiều, công việc lại gò bó. Từ lúc làm nghề này, cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn trước”.
Gồng mình dưới cái nắng gay gắt giữa mùa hè miền Trung, anh Mẹo kéo từng mo nước nặng trịch, đổ vào can 20 lít, vui vẻ: “Những ngày hè, nhu cầu dùng nước giếng cổ của khách hàng rất lớn, nên mình phải tranh thủ kiếm thêm ít đồng nuôi vợ con”. Ở khu phố cổ này, anh Mẹo có hơn chục khách quen, đa phần là các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, kể cả một số hộ dân có thói quen dùng nước giếng cổ để nấu cơm, nấu thức ăn.
Nghề không mai một
Vào con hẻm nhỏ, gần giếng cổ Bá Lễ, hỏi vợ chồng ông bà gù ai cũng biết. Đó là ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ, ngoài 70 tuổi và có hơn 50 năm hành nghề gánh nước thuê ở Hội An.
Bà Mỹ kể, thời trước, nhiều người dân ở phố cổ Hội An chuộng dùng nước giếng Bá Lễ vì cho rằng chỉ có nước đó mới giúp hương vị món ăn thêm ngon và đậm đà. Lúc đó, nghề gánh nước thuê rất thịnh, cả gia đình sống nhờ vào nghề này.
Đến nay, mặc dù tuổi cao, nhưng gánh nước của hai vợ chồng ông Đường luôn đắt hàng, nhất là những lúc nắng hạn, hay những lúc nguồn nước máy ở thành phố bị cắt, hai vợ chồng phải “chạy sô” mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Mỗi ngày, vợ chồng ông bà Đường gánh cả trăm gánh nước giếng và đi đến vài chục cấy số, nhưng bù lại, bây giờ trong gia đình đã có của ăn, của để.

Dùng xe đạp chở - nét mới của nghề gánh nước ở Bá Lễ.
Không riêng gì gia đình ông Đường, giếng Bá Lễ và một số giếng cổ khác ở Hội An cũng là nguồn sống của hàng trăm hộ dân gánh nước thuê khác. Bà Dương Thị Thương, trú tổ 4, phường Cẩm Phổ, có 20 làm nghề gánh nước thuê, đến nay gia đình cũng sống tốt nhờ nghề này. Bà Thương kể, một số du khách thường xuyên đặt chân đến Hội An rất sành thưởng thức các món ăn được nấu bằng nước giếng cổ. Bởi vậy, có một số nhà hàng, khách sạn dùng nước máy, nhưng lại nói với du khách là nước giếng cổ liền bị họ phát hiện, bỏ đi hết.
Chính vì lẽ đó, nhiều người vẫn tin tưởng rằng nghề gánh nước thuê này sẽ không bao giờ mai một. “Chừng nào nước giếng cổ chưa cạn, lúc đó chúng tôi chưa hết hành nghề gánh nước”, bà Thương nói.
Bài viết liên quan :
Giếng cổ Bá Lễ quanh năm nước trong xanh, ngon ngọt, không bao giờ cạn, là “gia bảo” của người dân Hội An và là điểm thu hút khách du lịch trong v ...
Dẫu đã trải qua những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống, những chủ nhân của di sản văn hóa này không hề bị lối sống đô thị làm ảnh hưởng. Vẫn mộc ...
Trong mấy ngày qua, hàng nghìn hộ dân ở xã Cẩm Thanh (TP. Hội An) phải sống trong cảnh “khát” nước sạch vì Nhà máy cấp nước Hội An cắt nước toàn k ...
Vừa qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An đã thu thập thông tin về trên 80 chiếc giếng cổ trên địa bàn. Đây là những chiếc giếng có từ thờ ...
Vừa qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Hội An đã thu thập thông tin về rất nhiều chiếc giếng cổ trên địa bàn (trên 80 chiếc). Đây là ...
Xíu Mà là món ăn có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc), du nhập vào Hội An (Quảng Nam) trong những năm đầu của thế kỷ trước, khi những người Hoa ...
Ý kiến (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)
Ý kiến (bình luận) của bạn