Hội An: Hãy cứu lấy di tích cổ (Kỳ 2)
Diệt mối, mọt theo công nghệ sinh học được xem là phương pháp tốt nhất, hiệu quả cho di tích ở Hội An, nhưng lại mắc kẹt kinh phí lại đang bị đùn đẩy.
>Kỳ 1: Hội An: “Thành phố mối” trong lòng phố cổ

Ổ mối rất to trong di tích nhà số 10 Nguyễn Thái Học
Lợi cả đôi đường
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, những năm qua đơn vị này cũng đã cố gắng triển khai chống mối, mọt để bảo vệ di tích. Thế nhưng phương pháp đào xung quanh móng di tích, sau đó đổ hoá chất lên rồi lấp đất tỏ ra không phù hợp. Do lẽ sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước trong khi nhiều người dân Hội An vẫn còn sử dụng nước giếng đào hoặc nước giếng khoan.
“Việc sử dụng hoá chất chỉ thích hợp với những nơi ít hoặc không có người ở, như kinh thành Huế, khu di tích Mỹ Sơn… Đối với phố cổ Hội An, cuộc sống dân sinh đang tiếp diễn mà dùng nước ô nhiễm sẽ tổn hại sức khoẻ người dân về lâu dài. Người ta đang sống bình thường, tự nhiên mang hiểm hoạ đến cho họ thì nguy hiểm quá!” – ông Minh nói.
Trước tình hình đó, trong 2 năm 2007 – 2008, Cục Di sản (Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch) đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng từ chương trình mục tiêu để thí điểm chống mối, mọt theo công nghệ sinh học không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người tại hai ô phố (Nguyễn Thái Học – Trần Phú – Trần Quý Cáp – Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Thụ – Trần Phú – Nguyễn Thái Học – Lê Lợi) của Hội An.
“Người ta đặt các hộp giấy có chứa thuốc nhử để mối tự tiêu diệt lẫn nhau. Từ khi thí điểm đến nay thì ở hai ô phố này hầu như không có mối xuất hiện nữa. Người dân rất mừng, khen ngợi cách chống mối này vì không gây ô nhiễm môi trường nhưng hiệu quả rất cao. Vừa bảo quản được các cấu kiện gỗ cho di tích, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân đang sống trong khu phố cổ!” – ông Phạm A, chủ di tích 02 Nguyễn Thái Học vừa được thí điểm chống mối, mọt theo công nghệ sinh học nhận xét.
Bộ cho bao nhiêu dùng bấy nhiêu?
Từ những kết quả đó, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An đã đề nghị Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) tiếp tục đầu tư cho Hội An vì rất có lợi cho di tích và người dân. Tuy vậy trong 2 năm 2009 – 2010, không có thêm đồng nào được đầu tư cho việc này. Do vậy mà ngoài hai ô phố nêu trên, ở các khu vực khác của phố cổ Hội An vẫn bị mối, mọt hoành hành. Riêng ở phường trọng điểm Minh An chỉ mới có 11 – 12 di tích đặc biệt tạm ổn, còn lại khoảng 15 di tích đặc biệt khác vẫn đang tiếp tục bị mối, mọt huỷ hoại.
Tháng 9/2010, Bộ VH-TT-DL đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai chương trình bằng kinh phí của địa phương và Bộ sẽ hỗ trợ một phần. Theo ông Nguyễn Đức Minh, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở VH-TT-DL lập đề án trình Bộ VH-TT-DL có ý kiến trước khi tỉnh phê duyệt. Nhưng hiện Sở này vẫn đang “nghiên cứu” chưa thấy triển khai.
“Hội An đang rất nóng ruột, có được văn bản chỉ đạo đó của Bộ VH-TT-DL thì mừng quá rồi nên ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An có đề nghị với lãnh đạo Sở VH-TT-DL Quảng Nam giao cho Hội An triển khai, báo cáo tỉnh thay cho Sở. Nếu giao cho Hội An thì Hội An đã làm rồi, nhưng Sở cứ bảo để nghiên cứu đã, không biết đến bao giờ mới xong!” – ông Nguyễn Đức Minh bức xúc.
Về vấn đề này, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cho hay, đề án chống mối, mọt cho di tích ở Hội An sẽ được triển khai trong năm 2011. Sở sẽ giao cho Hội An thực hiện công việc này nhưng chưa có văn bản cụ thể vì đang làm kế hoạch cho năm tới. Tuy nhiên về phần kinh phí, trong khi Bộ VH-TT-DL nói tỉnh Quảng Nam chủ trì còn Bộ “hỗ trợ một phần” thì ông Đinh Hài cho biết “Bộ cho bao nhiêu thì làm bấy nhiêu”!
Điều đó cho thấy giữa các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương chưa có thống nhất chung quanh việc chống mối, mọt cho di tích ở Hội An bằng công nghệ sinh học, dù biết rất có hiệu quả. Trong khi đó mối, mọt vẫn đang tiếp tục hoành hành. Và Hội An lại đang phải đối mặt với một mùa mưa lũ nữa. Ai dám chắc trong khi các cơ quan chức năng đang “nghiên cứu” và “đùn đẩy”, lại chẳng có di tích ở Hội An đổ sập xuống dòng nước lũ do đã bị mối, mọt đục ruỗng rường, cột, vì kèo?
“Chủ trương của chính quyền địa phương là bằng mọi giá phải tiến hành trùng tu, không để bất kỳ một di tích, nhà cổ nào bị sập. Ngoài chính sách hỗ trợ từ 45 – 75% kinh phí, TP Hội An còn tạo điều kiện cho chủ sở hữu những di tích nhà cổ vay vốn ưu đãi, không lãi suất để có điều kiện cùng với chính quyền tổ chức trùng tu”.
(Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An)
Theo Báo điện tử Tầm Nhìn
Bài viết liên quan :
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, mỗi năm kinh phí tu bổ di tích ở phố cổ Hội An lên đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, việc phòng chống m ...
Hàng trăm di tích kiến trúc ở Di sản Văn hoá thế giới Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng do bị mối, mọt đục khoét từng ngày. [caption id="attac ...
Dự án an sinh có tên gọi Khu tái định cư làng chài Cẩm An (TP Hội An, Quảng Nam) cùng với việc ổn định chỗ ở cho hơn 700 hộ ngư dân nghèo cò ...
Ngày 1-8, tin từ Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An cho biết theo khảo sát mới nhất, hiện tại trong khu phố cổ (gồm các phường Minh An, Cẩ ...
Ngày 15-12, HĐND TP Hội An (Quảng Nam) khóa IX đã thông qua đề án xây dựng Hội An thành TP sinh thái đầu tiên của cả nước vào năm 2030. Theo đề ...
Sự xuất hiện dồn dập của các khách sạn, resort cao cấp, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ, các khu đô thị mới khiến Hội An phình to nhanh chóng, nguy cơ ...
Ý kiến (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)
Ý kiến (bình luận) của bạn